Tại Sao Đức Mẹ Phải Đến Cõi Trần?
Lm René Laurentin, Nhà Thánh Mẫu học nổi tiếng thế giới, có viết: Thế giới này đã buông mình theo tội lỗi một cách trắng trợn. Như thế, họ đang lao xuống vực thẳm của một cuộc tự hủy diệt mình.
Nghe câu tự hủy diệt, có người nghĩ ngay đến đại họa của bom nguyên tử. Cũng có thể. Nhưng đó chỉ là hậu quả riêng biệt của một tình trạng chung sâu xa hơn, đang âm ỉ hủy diệt nhân loại.
Thời đại chúng ta đang say sưa với phát triển khoa học và kỹ thuật, cho nên tin tưởng vào tiến bộ chắc chắn của nó sẽ có khả năng giải quyết hết thảy mọi vấn đề của con người, và sẽ còn thắng cả sự chết nữa! Vì thế có người nghĩ rằng gạt bỏ Thiên Chúa (chối từ sự hiện hữu của Thiên Chúa…) sẽ giải phóng con người và xúc tiến nhanh sự tiến bộ. Nhưng xét kỹ, nắm quyền làm chủ vật chất bằng khả năng khoa học kỹ thuật chỉ giải đáp được những vấn đề bề mặt, chứ không giải quyết được vấn đề căn bản sâu xa của con người.
Các nguy hiểm bắt đầu phát sinh từ khi thế giới này không còn dành chỗ đứng cho Thiên Chúa. Đức Mẹ nói đó là một nền văn minh không có Thiên Chúa. Thánh Công Đồng chung Vaticanô II cũng tuyên bố: “Không có Đấng Tạo Hóa, tạo vật sẽ tiêu tan”. Thành ra, tuy khoa học và trí tuệ càng ngày càng phát triển hơn nhưng tình yêu lại ít đi, học vấn nhiều hơn nhưng giáo dục kém đi, tình dục nhiều hơn nhưng tình yêu chân thật ít đi, năng lực mạnh hơn nhưng trật tự kém đi, hoạt động cuồng nhiệt hơn nhưng bình an ít hơn. Tốc độ càng ngày càng nhanh hơn, nhưng để lao vào trống không và sự chết. Tỉ lệ tự sát và bạo lực, độc ác càng ngày càng tăng trên thế giới…
Thiên hạ, cho đến bây giờ, vẫn chạy đua vũ trang. Người ta không tìm ra cách nào khác để bảo đảm hòa bình, ngoài cách “cân bằng lực lượng” dựa theo lập luận này: “Nếu tôi muốn giữ cho có hòa bình, tôi phải chế tạo vũ khí mạnh hơn, đối thủ kiêng nể sẽ không dám gây chiến”. Thế là nước nào cũng bị bó buộc phải làm cho mình mạnh hơn để bên kia nể sợ. Và cái vòng luẩn quẩn ấy cứ tiếp diễn mãi… Thế là người ta đua nhau bỏ ra bao nhiêu tiền của, những khối tiền khổng lồ, để tạo ra đủ thứ vũ khí nguyên tử, khinh khí, hóa học, vi trùng… Chỉ cần một phần nhỏ đã đủ tiêu diệt cả hành tinh này.
Kết quả ra sao? Sau bao chục năm rồi, thế giới vẫn hoàn toàn bất lực cách thảm hại, để có thể tạo ra được một trạng thái hòa bình, giải trừ vũ khí… trái lại hơn bao giờ hết đang sốt vó lo sợ chiến tranh, khủng bố toàn cầu! Bởi vì Hòa bình chỉ có thể xây trên những giá trị khác hẳn như hòa giải, công bằng và yêu thương… Mà những điều tốt đẹp này chỉ đến từ Thiên Chúa và người ta có được khi trở lại với Người!
Đức Trinh Nữ ở Mễ Du không đề cập trực tiếp tới những chuyện bi thảm nói trên. Người nhấn mạnh trên sự tan rã của tâm hồn con người : tình yêu, theo nghĩa cao đẹp của chữ ấy, đang yếu dần. Ham muốn đã lấn át sự hiến thân. Người ta không còn trung thành với nhau trong hôn nhân. Gia đình đang đổ vỡ dần. Thay thế vào đó, người ta đồng tính luyến ái, thích tự do yêu đương, sống chung với nhau không có gì ràng buộc, không trách nhiệm gì và không muốn sinh con… Tỉ lệ các cuộc hôn nhân tạm bợ này nhân đôi, nhân ba trong vài chục năm gần đây cách nhanh chóng lạ thường… Và dĩ nhiên, mặt trái của nó là tỉ lệ ly dị càng cao hơn nữa. Ở một vài nơi, có thể nói là cứ ba cặp vợ chồng, thì có một cặp ly dị! Người ta không muốn sinh con cái nữa, đang khi số chó, mèo người ta nuôi tăng lên hàng triệu con, đến mức gây thành nạn ô nhiễm đô thị. Con cái của những gia đình ly dị trở thành nạn nhân, số trẻ vị thành niên phạm pháp tăng lên. Con người luôn khao khát tình yêu, lại không biết yêu thế nào. Không biết yêu, yêu loạn xạ do đó gây nên một số không nhỏ kẻ bị tổn thương, bệnh hoạn, tuyệt vọng trong tình yêu… Tình hình càng ngày càng trở nên tồi tệ, bi đát! Khoa xã hội học đã nhận định như thế!
Nói tóm, nền văn minh ngày nay làm phát triển một cách kỳ diệu những kiến thức, những kỹ thuật, tính hiệu năng, tính chính xác…, tuy có đem lại một số những lợi ích, những tiện nghi không nhỏ cho xã hội loài người, nhưng đã lơ bỏ nhân cách con người, và nhất là lơ bỏ phạm vi thần linh, vốn là gốc cội thâm sâu của con người đích thực… Tiến bộ đã quên vai trò của mình là phục vụ con người và Thiên Chúa, và kiến thiết một trật tự nhân loại phù hợp với trật tự của Thiên Chúa, đặc biệt theo chương trình Thiên Chúa vạch ra, bởi vì con người được tạo dựng theo hình ảnh của Người.
Nhìn vào cuộc sống của xã hội, cảnh tàn phá con người cũng thật là kinh khủng: nào là nghiện ngập, rượu chè nhậu nhẹt làm bao gia đình điêu đứng, nạn ma tuý, nạn ma túy lan vào giới học sinh, thiếu nhi phạm pháp, buông thả về luân lý, thần kinh hỗn loạn, nạn ly dị và gia đình bất trung phân tán, phim ảnh đồi trụy, những xúc phạm đến sự sống…, nạn cướp máy bay, bắt con tin, nạn khủng bố có tầm mức toàn cầu không nước nào có thể cho mình an toàn, nạn giết người
Như trên vừa phác họa, thế giới ngày nay nắm trong tay những phương tiện ghê gớm, đã trở thành một thứ nền văn minh bát nháo, trong đó sôi sục nỗi tuyệt vọng và sự quá khích: từ đó bùng ra hận thù và bạo lực làm mất an ninh. Hãy coi: các phương tiện truyền thông đưa tin cho chúng ta về những sự kiện chưa từng thấy trong các thế kỷ trước: không kể những cuộc chiến tranh với những khí giới tối tân…, (giữa Iran và Irak, chiến tranh tại Liban, tại Afganistan, tại Angola, Tchad… Mỹ-Irak…) còn có những chiến tranh dưới hình thức những cuộc thanh trừng, những cuộc bạo động, ám sát, thanh toán, chiến tranh trong những cuộc bách hại và loại trừ, chiến tranh trong những giành giật về kinh tế đầy mưu mô xảo quyệt… Chiến tranh ý thức hệ, chiến tranh tôn giáo và chống tôn giáo, v.v… Chiến tranh vì giai cấp, vì đảng phái, vì chủng tộc, vì hận thù, vì quyền lợi… hàng loạt, các thành phố lớn trở nên nguy hiểm, người ta không dám ra ngoài khi trời tối, các tổ chức du lịch mãi dâm… Ngày xưa, mãi dâm chỉ có nơi người lớn, ngày nay, trẻ em, cả gái lẫn trai, đều bị lôi cuốn vào mãi dâm, bị lạm dụng tình dục. Rồi những dân tộc vẫn sống như láng giềng, nay trở thành thù địch, tàn sát nhau, diệt chủng, như ở Phi châu và nhiều nơi khác…
Ngay trong tôn giáo cũng khủng hoảng: với đà tục hóa càng ngày càng mãnh liệt, giới trẻ khủng hoảng niềm tin, lao đầu vào các thú vui, tiêu khiển, ăn chơi, sa đọa…, ơn kêu gọi sút giảm. Người lớn chạy suốt ngày bù đầu lo kiếm tiền để sắm đủ thứ tiện nghi mà khoa học và kỹ thuật đưa đến và quảng cáo khêu gợi sự ham thích, vì thế thờ ơ với đạo, chẳng còn đọc kinh, dự lễ, rồi bỏ nhà thờ…
Thế giới không biết mình từ đâu tới và cũng không biết mình sẽ đi đâu, bởi đã đánh mất ý thức về cùng đích của mình. Thế giới chao đảo giữa hai thái cực: rã rời buông thả và bạo lực cuồng điên.
Một bà mẹ, đứng trước đứa con đang vật vã vì bệnh nặng, đang co giật oằn oại trong đau đớn, bà có thể nào dửng dưng làm ngơ được không?
Đức Mẹ cũng thế. Người là một bà mẹ. Trước cảnh suy vong của thế giới trong đó con cái Đức Mẹ đang sống, giống như đang bị cuốn trôi vào hư vong trầm luân, và trên bờ của sự tự hủy diệt, thử hỏi làm sao Đức Mẹ có thể dửng dưng?
Do đó, việc Đức Mẹ đã đến ở Mễ Du, đua ra một kế hoạch cứu vớt, đúng là nằm trong xu thế tự nhiên của tình mẫu tử.
Chẳng lẽ lời truyền của Chúa Giêsu từ trên thập giá cho Mẹ chỉ là một câu nói chơi: “Hỡi Bà, Này là con Bà!” Lời truyền ấy có ý bảo: Bà hãy là Mẹ của chúng, lo lắng săn sóc cho chúng như xưa Người đã lo lắng săn sóc cho chính Ngài lúc còn bé. Đức Mẹ sẽ bất trung với lời trối trăng của Chúa Giêsu nếu không ngó ngàng gì đến con cái. Người sẽ là một người mẹ tồi. Làm sao chúng ta có thể nghĩ về Mẹ Maria như thế được?
Nhất là ngày nay, xem ra như nhân loại đã đành bó tay trước cơn lũ sự ác, không đủ khả năng cải thiện đời sống, không thể đem lại ấm no, hòa bình và hạnh phúc… Tình hình thế giới như phác họa trên kia đã cho thấy rõ. Tất cả mọi phương tiện khoa học, kỹ thuật tân tiến đến mấy đi nữa cũng không thể giải quyết chỉ vì:
Loài người chúng ta không chỉ vật lộn với bản tính hư hèn, yếu đuối, nghiêng chiều về tội lỗi của mình, mà Đức Mẹ còn cho thấy: đàng sau các thế lực hắc ám đang hoành hành tác quái, kéo nhân loại đến vực thẳm diệt vong, hiển hiện bộ mặt đen đúa của Satan, kẻ nghịch ghê gớm nhất của Thiên Chúa và loài người.
Ngày 2-8-81, Đức Mẹ nói: “Một trận chiến khủng khiếp giữa Con Mẹ và Satan sắp nổ ra, và các linh hồn là mục tiêu đang lâm nguy.” Nhiều lần, Đức Mẹ nhấn mạnh: “Satan hiện hữu! Nó rất mạnh thế!” Quả thật chưa hề có cuộc hiện ra ở đâu Đức Mẹ lại nói nhiều về Satan và sức mạnh phá hoại, sự nguy hiểm của nó bằng ở Mễ Du. Ngày 25-1-1991, Đức Mẹ còn nói: “Satan rất mạnh, không những nó mong muốn tàn phá cuộc sống nhân loại, mà còn muốn tàn phá cả thiên nhiên và cả hành tinh các con đang sống. Bởi vậy, hỡi các con yêu dấu! Hãy cầu nguyện để các con có thể bảo vệ bản thân các con nhờ cầu nguyện và nhờ các chúc lành bình an của Thiên Chúa. Thiên Chúa gửi Mẹ xuống để giúp đỡ các con…”
Không có phương thế hay khí giới nhân loại nào có thể khuất phục được Satan và mọi thế lực hắc ám nó đang giật dây mà tác quái trong thế giới tràn lan tội ác… Người ta cố gắng họp nhau lại, hết hội thảo này đến hội nghị khác, thảo ra những chương trình, kế hoạch dày cộm, hoặc đưa ra những phương pháp khoa học, kỹ thuật v.v… Người ta soạn thảo nhiều luật pháp để ngăn chận ư? Nhưng càng nhiều luật, thì những thủ đoạn lắt léo luồn tránh pháp luật càng ngày càng tinh vi hơn… Có người kia đã châm biếm rằng: “Tất cả những cái chương trình và kế hoạch đó của chúng ta chỉ là những súng đạn rỉ sét so với những tinh ma quỷ quyệt, khôn khéo và sắc bén của Satan và thuộc hạ của nó!”
Bởi vậy, Đức Mẹ đã đến!
Nhưng không như đến ở La Vang, Trà Kiệu chỉ để an ủi, khích lệ một số giáo hữu bị bách hại. Và còn hơn Lộ Đức và Fatima, Đức Mẹ đã đến ở Mễ Du….
… Để mách thuốc!
Phương thuốc của Đức Mẹ đề ra không phải là một phép lạ từ trời làm sẵn, vì Thiên Chúa đã đặt vũ trụ này trong tay loài người, Người đã dựng nên họ có tự do, tức có trách nhiệm. Trật tự này không thể thay đổi. Chính vì vậy, giải pháp nằm trong tay họ. Đức Mẹ đến nhắc nhở lại những nguyên tắc căn bản của ý định Thiên Chúa mà nhân loại đã quên hay lơ bỏ, và từ những cái đó, người ta có thể tổ chức lại trật tự thế giới. Tức là: Con người được tạo dựng bởi Thiên Chúa, họ chỉ có thể tìm ở nơi Thiên Chúa sự sung mãn tình yêu và sự sống, kiện toàn bản thân và đạt hạnh phúc.
Vậy:
Hãy trở lại với Thiên Chúa,Đó là nội dung chính của Sứ điệp Mễ Du.
Mấy nguyên tắc đó, chẳng qua là Tin Mừng của Chúa Giêsu được nhắc lại, vì chúng ta đã quên, hay đã bỏ không thực hành, song được nhắc lại với tất cả tình thương tha thiết của một người Mẹ quan tâm đến các thống khổ của con cái, như xưa Mẹ đã quan tâm đến sự thiếu rượu ở tiệc cưới Cana.
Ở đây, chỉ nêu ra hai điểm chính:
1. Trở lại với Thiên Chúa:
Đây là điểm trụ cột của Sứ điệp Mễ Du. “Chỉ có một Thiên Chúa”, “Thiên Chúa có thật”, đó là điều Đức Mẹ đến nhắc lại cho trần gian ngay từ mấy ngày đầu Hiện Ra (6-81), là chìa khóa của tất cả, song đa số nhân loại ngày nay đã quên mất: Người là Đấng Tạo Dựng nên ta, ban cho ta được có, được hiện hữu trên đời. Người không là Đấng Tạo Hóa thuở xưa lúc tạo thiên lập địa, Người đang tiếp tục tạo dựng cũng với một tình yêu như trước. Nếu người không tiếp tục tạo dựng ta, ngay lúc này, ta tức khắc hết sống, hết tồn tại như bóng đèn hết sáng, lúc cúp điện.
Nhưng Thiên Chúa đã tạo dựng ta có sự tự do chọn lựa: ta có thể yêu Người, thờ Người, tin Người hay chối từ, chống đối Người, quên bỏ Người… Loài người nhiều khi tưởng rằng: không có Thiên Chúa, mình sẽ sung sướng hơn, không còn bị ai cấm đoán, ràng buộc… tự do hoàn toàn, muốn làm gì thì làm. Lầm to! Vì Thiên Chúa là nguồn sự sống của ta, lìa bỏ Chúa chẳng khác chi cành lìa cây, sẽ khô héo và chết, như bóng đèn cắt khỏi nguồn điện, sẽ chỉ còn là tối om. Thực ra, nhiều người lánh xa Thiên Chúa, là chỉ vì thấy mình không sống trung nghĩa với Người. Cái sợ làm cho người ta không muốn giáp mặt Người.
Nhưng, Thiên Chúa là tình thương và tha thứ, Kinh Thánh quả quyết không biết bao lần (1Ga 4,8.11…; Ga 3,16…). Hãy khiêm tốn và mở lòng ra, Chúa sẽ vào lại. Nếu ta thấy ngổn ngang, ngần ngại, hãy cầu nguyện thế này:
“Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Xin giúp con thay đổi cuộc đời, vì tự con, con không có can đảm làm việc ấy.
Đó là ăn năn trở lại, việc này Đức Mẹ cũng nói ngay từ mấy ngày đầu Hiện Ra (6-81).
Việc ấy thế nào? Đó là nhìn nhận ta đã đi trệch đường và nay ta quay trở lại. Ta đã sống trong ích kỷ và tội lỗi, lìa xa Chúa, quay lưng với Chúa, nay ta quay về với Người, bỏ cách sống trước đây, tập sống theo đường lối của Chúa, theo Thánh Ý Chúa.
2. Tin tưởng:
Việc ăn năn trở lại thể hiện bởi lòng tin. Ta tin: Chúa có thật, là khởi đầu và là cứu cánh đời ta. Tin là gắn bó với Chúa, với Lời Chúa dạy mà ta chấp nhận là chân lý. Chắc chắn, những ngày tháng trở về này có nhiều lúc đầy vui sướng dạt dào, nhưng cũng chẳng khỏi có những đêm tăm tối hoang mang. Nhưng đêm tối ấy sẽ có sao, vì Thiên Chúa không bao giờ bỏ kẻ trông cậy nơi Người.
(Còn mấy điểm kia, sẽ xem sau).
Thời giờ thật khẩn trương!
Phải thi hành các Sứ điệp của Mẹ, bằng không thì sẽ quá trễ!
Chúng ta vẫn tin tưởng nơi tình thương bền vững và vô bờ bến của Mẹ Maria đối với loài người, và lúc cần thì Mẹ vẫn không nản lòng để dạy dỗ, cảnh cáo, khuyên răn chúng ta.
Tuy vậy, theo các thị nhân thì: “Những lần hiện ra tại Mễ Du là dịp cuối cùng của Mẹ đến thăm trái đất này!”
Điều khẳng định trên đây đã được trình lên Đức Giáo Trưởng Gioan-Phaolô II trong thư gửi cho Ngài ngày 2-12-1983. Nếu đúng như vậy thì có nghĩa là chúng ta đang tiến tới mức kết thúc của một giai đoạn lịch sử của Hội Thánh, của loài người, một giai đoạn cực kỳ nghiêm trọng.
Chúng ta có để ý không? Ở Lộ Đức, Mẹ Maria hiện ra lúc sáng sớm, ở Fatima, hiện ra lúc giữa trưa, ở Mễ Du, lúc chiều tối. Ai là người tinh trí sẽ hiểu ngay trong cách thức hiện ra ấy một cảnh báo mà Chúa Giêsu đã dạy: “Bao lâu còn là ngày, chúng ta phải lao công làm việc của Thiên Chúa, rồi đêm đến, bấy giờ không ai có thể làm việc gì được nữa” (Ga 9.4). Lời kêu gọi của Đức Mẹ tại Mễ Du là một lời kêu gọi cuối cùng! Điều chắc chắn là chúng ta phải cấp tốc tuân theo lời Mẹ Maria răn dạy, chẳng lẽ Mẹ Maria lại dọa dẫm loài người một cánh vô căn cứ!
Mẹ nói với các thị nhân ở Mễ Du: “Chiến tranh đang đến gần, nhưng mọi người xem ra như lãnh đạm. Người ta chỉ nghĩ đến thụ hưởng cuộc đời… Hãy cầu nguyện, cầu nguyện và cầu nguyện.”
Đức Mẹ đã đến tại Mễ Du còn để
…Nhắc cho nhân loại:
Thiên Chúa có mặt trong lịch sử nhân loại, vì Người là Đấng tạo thành, là Chúa Tể muôn loài muôn vật. Người không để cho Satan phá hủy công trình của Người. Thiên Chúa thương yêu con người vô cùng, nhưng Người cũng là Đấng Thánh vô cùng, không thể làm ngơ được trước tội lỗi. Điều đó đã được chứng minh hùng hồn ngay từ tội phản bội tiên khởi của tổ tông loài người (St. 3,1-24). Rồi tội sát nhân đầu tiên huynh đệ tương tàn của Cain (St. 4,1-16). Khi tội lan tràn thì đã có Đại Hồng Thủy (St. 6,5-21). Thiên Chúa đã có thái độ dứt khoát trừng phạt con người ngạo ngược thách trời khi xây tháp Babel (St 11,1-9), xóa tên Sodom và Gomora bằng lửa và diêm sinh vì tội lỗi của dân thành đã phạm xông lên thấu trời (St 18 và 19)…
Lịch sử Israel và các dân tộc cho thấy rằng: Khi con người lãng quên và chối bỏ Thiên Chúa thì con người phải lâm vào cảnh chiến tranh hỗn độn, thê lương và đau khổ…
Lịch sử Israel là một chuỗi dài những kinh nghiệm xương máu nói lên thái độ của Thiên Chúa thánh thiện đối với những người, những dân nước đã phạm tội. Thiên Chúa sẽ không còn là Thiên Chúa nếu Ngài tỏ ra lãnh đạm đối với tội lỗi.
Thiên Chúa vẫn mãi mãi là Thiên Chúa, nghĩa là một Đấng tự bản thể nghịch cùng tội lội và sự xấu. Nhưng vì người cũng căn bản là Thiên Chúa yêu thương, nên người vẫn đem tình thương mà răn dạy, cảnh cáo và đe doạ, để loài người biết hồi tâm trở lại, để hạnh phúc về mọi phương diện.
Ngày 8-12-81, Mẹ Maria hiện đến không tươi cười như những lần khác, Mẹ bỗng quì gối xuống cúi sâu và giang hai tay ra cầu nguyện với Chúa Giêsu: “Hỡi Con yêu dấu của Mẹ, Mẹ nài xin Con sẵn lòng tha thứ cho thế giới tội lỗi nặng nề đã xúc phạm đến Con”.
Đầu năm 1983: “Các con hãy cấp tốc ăn năn trở lại… Với những kẻ vô tín, việc trở lại coi như đã quá trễ rồi. Nhưng các con là những kẻ tin, hãy trở lại và hãy đào sâu thêm nữa niềm tin của các con”.
Người ta dựng một cây thập giá gỗ sơn xanh để ghi dấu nơi Đức Mẹ hiện ra lần đầu
Ngày 20-4-83, Đức Mẹ khóc vì những người tội lỗi: “Mẹ muốn làm cho họ ăn năn trở lại, những họ không màng. Các con hãy cầu nguyện, hãy cầu nguyện cho họ. Các con đừng nấn ná chần chừ. Mẹ cần lời cầu nguyện và sự hi sinh của các con”.
“Mẹ cần đến các con, hãy giúp Mẹ hoàn thành kế hoạch của Thiên Chúa”
Ngày 26-4-83: “Lời duy nhất mà Mẹ muốn nói là: toàn thể thế giới hãy trở lại. Mẹ nói với các con, để rồi các con nói lại cho mọi người được biết. Mẹ chỉ xin trở lại thôi… Đó là điều ước muốn của Mẹ. Các con hãy trở lại. Các con hãy hiến trọn vẹn toàn thân các con cho Mẹ”.
Ngày 26-7-1983: “Các con hãy tỉnh thức. Thời gian này thật là nguy hiểm cho các con. Ma quỷ sẽ tìm mọi cách để gạt chúng con ra khỏi con đường (cứu rỗi) này.”
Ngày 7-8-1983, từ 2 giờ sáng, Mẹ đánh thức các em thị nhân dậy, đưa lên đồi và bảo các em cầu nguyện để đền tội và cầu cho kẻ tội lỗi.
Ngày 25-8-1983, Mẹ nói: “Hình phạt sẽ đến nếu loài người không sám hối trở về. Các con hãy kêu gọi người ta sám hối. Tất cả lệ thuộc vào đó”.
Xét như vậy, chúng ta có thể quả quyết mà không sợ sai lầm rằng: Trong suốt thời gian hơn một thế kỷ nay, tình thương của Thiên Chúa muốn cứu vớt loài người đã thể hiện hết mức và một cách rõ rệt hơn bao giờ hết bằng cách cử Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa và cũng là Mẹ của nhân loại liên tục đến trần gian. Và nhân loại đã chứng kiến Mẹ Maria đã xuất hiện khắp nơi trên mặt đất từ Đông sang Tây, từ Bắc chí Nam, cuốn Viđêô “Các cuộc hiện ra của Đức Mẹ trong thế kỷ XX” tính ra có đến 300 nơi. Đến đâu, Người cũng gióng lên tiếng nói thức tỉnh nhân loại trước những hình phạt đang đe dọa loài người vì tội lỗi của họ. Nhưng nhất là kêu gọi loài người sám hối quay trở về với Thiên Chúa để được cứu vớt, được hòa bình và hạnh phúc. Các cuộc hiện ra càng ngày càng nhiều, lời Mẹ nói càng ngày càng khẩn thiết cấp bách và tiếng gọi của Mẹ càng khẩn trương.
Chúng ta đã quá quen những địa danh RUE DU BAC (1830) LA SALETTE (1846), LỘ ĐỨC (1858), PONTMAIN (1871), FATIMA (1917) BEAURAING (1932), BANNEUX (1933) v.v… Những năm gần đây, chúng ta lại được nghe nói đến GARABANDAL (1961) MONTICHIARI VÀ ESCORIAL (1980 – 1983).
Nhưng đặc biệt một nơi mới lạ với tên rất khó đọc, khó viết, ít người biết đến đã được lan truyền khắp nơi, đó là:
MEDJUGORJE (tạm dịch Mễ-Du).
Câu truyện hiện ra
Từ 1981 đến nay, MỄ-DU đang thu hút sự theo dõi, tìm hiểu và chú ý của mọi người, vì đây là nơi Đức Trinh Nữ Maria đã và còn đang hiện ra mỗi ngày từ tháng 6-1981 đến nay (2004), tức là đã 23 năm trời dòng dã (!) tính ra đã hàng vạn lần mà vẫn chưa chấm dứt… và không biết đến bao giờ mới chấm dứt…, cốt để những lời kêu gọi khẩn trương của Mẹ có thời gian thấu đến tận tai mỗi người và toàn thể nhân loại đang trên bờ vực thẳm của một cuộc tự hủy diệt chưa từng có trong lịch sử loài người, nếu sứ điệp kêu gọi hoán cải bởi trời ban xuống không được đáp ứng. Còn nếu đáp ứng, nhân loại sẽ được tha thứ, hòa bình, thịnh vượng và hạnh phúc. Vì Kinh Thánh mặc khải Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương và tha thứ:
“Thần nào giống được như Thiên Chúa, Đấng nhịn tội ác, Đấng bỏ qua lỗi lầm…, Người không cưu giận mãi mãi, vì Người chuộng nhân nghĩa. Với ta, Người lại chạnh thương lần nữa, mà dẫm lên các tội ác của ta. Mọi tội ác của ta, Người sẽ quăng chìm đáy biển!” (Mica 7.18-19).
Chính vì thế mà MỄ DU từ đó đến nay đã trở nên một trong những Đền Thánh và Nơi Hành Hương lừng danh nhất và được người ta tuốn đến đông đảo nhất trong toàn thể thế giới Công giáo. Cho đến nay, ước tính đã có vài ba chục triệu khách hành hương đến Mễ Du từ khắp năm châu bốn bể. Ngay cả người Việt Nam chúng ta, dù xa xôi diệu vợi nhiều trắc trở và hết sức tốn kém (!) thế mà cũng đã có một số người gồm Giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân đi hành hương đến đó.
Mễ Du là một làng quê nhỏ, xa xôi nằm lọt giữa miền núi đồi bao bọc chung quanh, ở phía Tây–Nam nước nước Nam Tư cũ (Yougoslavia), nay gọi là BOSNIA HERZEGOVINA, là một nước hồi đầu Đức Mẹ hiện ra còn theo Xã Hội Chủ Nghĩa.
Dân chúng ở vùng này chỉ được vài ngàn người, sinh sống bằng cách khai phá đất đồi khô cằn để trồng trọt, cách riêng là trồng nho, lúa mì và thuốc lá… Đa số các gia đình sống nhờ vào đồng lương của những tay lao động chính của gia đình đi hợp tác lao động ở nước ngoài…
Về mặt tôn giáo, Mễ Du là một giáo xứ do các linh mục Dòng Phan Sinh coi sóc từ nhiều thế kỷ. Giáo dân 3000 người. Sau Đệ nhị thế chiến, giáo xứ đã xây dựng được một thánh đường khang trang với hai ngọn tháp cao uy nghiêm. Thánh đường được dâng kính Thánh Giacô bê Tiền. Lúc ấy người ta không biết tại sao lại xây một thánh đường lớn quá khổ như thế để làm gì. Sau này, mới thấy đó là an bài của Chúa quan Phòng cho những chuyện sẽ đến sau này.
Nằm trong ranh giới của giáo xứ có hai ngọn núi gối vào nhau thành hình thước thợ: Ngọn Sipovac, cao 540m, từ sau 1933 được đổi tên thành Krizevac (núi Thánh Giá) vì trên ngọn núi này, giáo xứ đã vất vả mang các vật liệu lên tận ngọn để xây một Thập giá bằng bê tông cốt sắt cao 12m. Ngọn thấp hơn gọi là Crnica, mà triền núi phía dưới gọi là PODBRDO nơi Đức Mẹ hiện ra, vì thế nay gọi là ĐỒI HIỆN RA. Một làng quê nhỏ bé nghèo nàn tầm thường không chút tiếng tăm, không ai để ý, chẳng khác gì làng Nadarét hay Bêlêm xưa, thì Đức Trinh Nữ Maria lại chọn để qua sáu thị nhị nhân đơn sơ, dân dã quê mùa, Mẹ bắt đầu ban những Sứ Điệp của Mẹ mà Mẹ bảo là “như chưa từng có trong lịch sử từ nguyên thủy cho tới bây giờ” (4-4-85) cho giáo xứ, cho các nhóm cầu nguyện, cho khách hành hương và sau cùng cho tất cả thế giới.
Nếu cốt lõi chính yếu của Sứ điệp đã được Đức Mẹ ban ra ngay từ những ngày đầu (cuối tháng 6-1981) như ta đã xem trên, thế tại sao sau đó, Đức Mẹ còn hiện ra dài dài suốt 23 năm cho đến nay và nói rất nhiều làm chi? Thưa: Đấy là một phương pháp sư phạm, cần thiết để làm cho người ta sống và thực hành sứ điệp của Đức Mẹ.
Há ta lại không biết việc giáo dục là chuyện lặp đi lặp lại đến nhàm chán sao? Có bà mẹ nào dạy đứa con 3 tuổi bằng cách bắt nó ngồi trước mặt mình giảng cho nó nghe một bài học dài? Trái lại, bà dạy dỗ con cái bằng cách lặp đi lặp lại không biết chán, mọi nơi mọi lúc, những điều sơ đẳng, nhỏ mọn, nhưng căn bản và quí giá, sẽ phải dệt thành cuộc sống và hạnh kiểm của đứa con.
Vì thế Đức Mẹ cứ phải lặp đi lặp lại mãi, để đi vào từng chi tiết cuộc sống của các em thị nhân, của xứ đạo Mễ Du, của các người hành hương và của toàn thể thế giới.
Nhân loại ngày nay, kể cả những người mang danh Kitô hữu, đã thành ra như ngoại đạo không nhiều thì ít: Đức Mẹ như một giáo lý viên phải đến dạy cách sống đạo lại từ đầu cho tất cả mọi người: từ cách đọc kinh cầu nguyện, cách xưng tội, chịu lễ, cách tham dự Thánh Lễ v.v…
Đấy là những lời từ mẫu, đầy âu yếm, cảm thông, nhưng cũng rất sáng suốt và đòi hỏi. Đó là công trình sư phạm đáng khâm phục và gây kinh ngạc cho bao nhiêu người! Vì Đức Mẹ cho biết đây là lần cuối cùng Đức Mẹ đến trên trần gian để dạy dỗ.
Công trình giáo hóa ấy gồm những gì?
1) Những sứ điệp, các lời dạy dỗ quí báu Đức Mẹ ban qua các thị nhân, hoặc qua hai cô thụ khải: Jelena và Marijana. Trong đó có những thông điệp tư riêng cho một hay tất cả các thị nhân, hoặc dành cho linh mục, giám mục và Đ.G.Chủ.
2) Những thông điệp Đức Mẹ trao cho Marija vào thứ năm mỗi tuần và sau này mỗi tháng: có những cái dành cho các nhóm cầu nguyện ở Mễ Du, các cái khác dành cho giáo xứ Mễ Du, sau cùng đại đa số dành cho tất cả mọi người trên thế giới.
3) Tiểu sử đời dương thế của Đức Mẹ, được chính Đức Mẹ kể cho mấy thị nhân, người được đoạn này, người được đoạn khác. Xem ra, chỉ có Vicka đã ghi chép đầy đủ và sẽ đem xuất bản khi nào được Đức Mẹ cho phép.
4) Các thị nhân còn nhận được tuần tự 10 điều – hiện nay còn giữ kín – về tương lai Giáo Hội và thế giới. Người ta gọi là “10 bí mật”, chúng muốn cho mọi người biết lý do trầm trọng và cấp bách khiến Đức Mẹ phải đến kêu gọi thế giới, và biết ý nghĩa tiên tri của tương lai. Những bí mật ấy sẽ được tiết lộ và thể hiện dần dần.
5) Các Sứ điệp và Thông điệp được củng cố bằng những dấu lạ xán lạn (chữa bệnh, sự che chở, ăn năn trở lại, hiện tượng mặt trời quay, ánh sáng và nhiều việc kỳ diệu khác…). Chúng có chức năng khơi dậy và kích thích lòng tin, nói cách khác, có mục đích nâng đỡ sự yếu tin của loài người, lay động sự ù lỳ, lãnh đạm, thậm chí nghi ngờ và chối từ.
Đức Maria tỏ ra là Mẹ thật chúng ta
Đức Maria không chỉ là một Người dạy dỗ, giáo hóa, Người muốn tỏ cho chúng ta thấy Người là một Bà Mẹ chan chứa tình thương con cái, và âu yếm chăm sóc chúng ta từng li từng tí một cả thân xác lẫn tâm hồn. Đúng vậy. Các thị nhân là những người đầu tiên cảm nhận được điều ấy. Được gần gũi Đức Mẹ, được dạy bảo, càng ngày họ càng cảm thấy tình thương vô biên của Đức Mẹ. Chưa ở đâu được nghe người dưới đất ôm hôn Mẹ trên trời!! Ta hãy nghe chứng tá của họ.
Cô Mirjana nói: Tôi thấy Người y như tôi nhìn thấy một người bình thường đang ở với tôi. Mẹ thật gần gũi và thật thân tình hơn cả mẹ đẻ có thể đối xử với tôi… Sau này, với thời gian khi chúng tôi (không còn sợ) và được thoải mái trước mặt Đức Me rồi, chúng tôi có thể nói với Người như nói với mẹ ruột mình về mọi vấn đề và các nguyện vọng của chúng tôi… Đức Mẹ biết rõ tôi và yêu thương tôi, con người tôi ra sao, Mẹ thương tôi như vậy. Mẹ luôn luôn mong muốn điều tốt nhất cho tôi, Mẹ đặt tin tưởng vào tôi, Mẹ thương mến tôi… Đức Mẹ là Mẹ “thật” chúng ta… Bởi vì Người là Mẹ sự sống vĩnh cửu của chúng ta. Chúng ta là các con cái mà Chúa Giêsu đã trao phó cho Mẹ từ trên Thập Giá, Mẹ muốn mỗi người con cái Mẹ được về thiên đàng với Chúa Giêsu, với Thiên Chúa đời đời.
Còn Ivanka nói: Mẹ đã nhận được từ nơi Thiên Chúa những quyền thế bao la trên trời dưới đất để Mẹ chăm sóc con cái của Mẹ. Tất cả những ai quay về với Đức Mẹ sẽ nghiệm được tình thương, quyền thế và sự dịu dàng, âu yếm của Người. Không một ai bị khước từ. Tôi chắc chắn như vậy. Ngay cả những kẻ không quay về với Đức Mẹ, Mẹ vẫn là Mẹ, Mẹ lo lắng cho từng đứa con, cho dù họ có biết hay không. Mẹ yêu thương bằng chính tình yêu của Thiên Chúa
Qua chứng tá đời sống mấy thị nhân: Đức Mẹ rất gần gũi và thân tình, có nhiều lần các thị nhân được sờ đụng tới Đức Mẹ, được ôm hôn Đức Mẹ; họ đã thấy Đức Mẹ mỉm cười, có lúc khóc, lúc tỏ ra buồn, lúc thì hân hoan vui sướng… Còn phải nói điểm này nữa: Đức Mẹ cũng chú trọng và săn sóc cả sự sống thế tạm của họ nữa, như có lần Đức Mẹ bảo: “Ngày mai trở lạnh, các con hãy mặc thêm áo kẻo nhiễm lạnh”. Ivanka đã mất mẹ ruột hai tháng trước khi Đức Mẹ hiện ra, thế là chính Đức Mẹ thay thế mẹ ruột cô để lo cho cô trong việc hôn nhân.
Có một lần, cô Ivanka kể, tôi hỏi Đức Mẹ rằng, khi tôi quyết định lấy anh Raico, Mẹ có bằng lòng không, Mẹ đáp: “Ngày lễ cưới, Mẹ sẽ ban chúc lành của Mẹ cho con.” Rồi người bảo tôi chuẩn bị lễ cưới bằng cách cầu nguyện thật nhiều, để chúng tôi có thể được hưởng niềm vui và sự bình an lớn lao vào ngày cưới. Mẹ bảo tôi hãy chạy đến nhờ Mẹ về từng chi tiết một. Tôi làm theo. Và Mẹ đã giúp đỡ tôi đắc lực về đủ mọi thứ… Từ khi biết những chuyện đó, người ta đã tặng Mẹ tước hiệu “Mẹ của cô dâu!”
Còn nhiều chứng tá nữa không thể kể hết ra đây được… Họ được đụng chạm, được ôm hôn Mẹ… Đức Mẹ đối xử với các thị nhân như vậy không chỉ vì họ là thị nhân được Mẹ yêu thương riêng, nhưng là cốt ý cho chúng ta thấy: Mẹ đã đối xử với họ sao, Mẹ cũng đối xử với chúng ta tất cả như vậy. Chỉ xin tóm tắt bằng chính lời nói của Đức Mẹ:
“Mẹ yêu thương các vô bờ bến, nếu các con biết được lòng Mẹ yêu thương các con dường nào, các con sẽ khóc lên vì vui sướng!”
- “Mẹ yêu thương các con và muốn dẫn dắt các con về thiên đàng với Mẹ”.
Vâng lời Thiên Chúa, Đức Mẹ đã đến với thế giới tại linh địa Mễ Du, để van nài chúng ta hãy giúp Mẹ, cùng với Mẹ cứu bản thân chúng ta và cứu thế giới, tái tạo niềm tin trên mặt đất và vãn hồi hòa bình cho thế giới. Nhưng hòa bình ấy sẽ không thể hiện nếu trái tim mỗi người chưa hòa điệu với nhịp đập yêu thương của Thiên Chúa, chưa hòa giải và hiệp nhất với anh chị em mình. Để thực hiện việc đó, Đức Mẹ đưa ra một kế hoạch gồm 5 điểm, và cũng là 5 khí giới lợi hại đối đầu với Satan và các thế lực sự dữ.
Trước hết, Mẹ kêu mời chúng ta hợp tác. Có lần Mẹ nói: “Mỗi người chúng con đều quan trọng… Nếu không có các con (cộng tác), Mẹ không thể thực hiện kế hoạch cứu thế giới này được… Mẹ cần các con!… Hãy giúp Mẹ!” – “Mẹ ở với các con, và bầu cử trước mặt Thiên Chúa cho mỗi người các con vì mỗi người các con rất quan trọng trong chương trình cứu các linh hồn của Mẹ. Mẹ mời gọi các con làm những kẻ mang sự lành và hòa bình vào mọi nơi…” (25-5-1993).
Sau đây là kế hoạch 5 điểm hay 5 khí giới:
1. Khí giới thứ nhất: Cầu nguyện
Cầu nguyện là trọng tâm của Sứ điệp Mễ Du, cho nên được nhắc đến luôn luôn đến hàng ngàn hàng vạn lần trong các cuộc gặp gỡ của Mẹ với các thị nhân, và trong hầu hết các Thông điệp của Mẹ. Đức Mẹ nói: “Cầu nguyện thì các con có tất cả! (Có sự sống Thiên Chúa, có hòa bình, có hạnh phúc). Không cầu nguyện, các con chẳng có gì hết!”
“Các con hãy cầu nguyện ba giờ mỗi ngày. Các con cầu nguyện quá ít. Tối thiểu các con phải cầu nguyện trong một nửa giờ buổi sáng và một nửa giờ buổi chiều. Các con hãy dâng 5 phút lên Thánh Tâm Chúa Giêsu…” (28-6-83).
Cầu nguyện biểu lộ lòng khao khát, ước vọng sống tốt đẹp hơn. Ăn năn trở lại với Chúa, tuy là một việc của cá nhân làm trong tự do, song chỉ có thể thành đạt nhờ ơn Thiên Chúa. Mẹ nói: “Hôm nay, Mẹ lại đến để kêu gọi các con cầu nguyện. Các con đã biết, Thiên Chúa ban nhiều hồng ân cho chúng ta khi cầu nguyện. Mẹ kêu nài các con hãy cầu nguyện và cầu nguyện bằng trái tim.” (25-4-1987). Bởi đó, phải cầu nguyện và tốt hơn cả là cầu nguyện chung với nhau, trong gia đình, trong nhóm, trong Giáo Hội… Đức Mẹ nhiều lần nhấn mạnh đến việc cầu nguyện chung trong gia đình. Và Đức Mẹ mong chúng ta cầu nguyện bằng tràng chuỗi Mân Côi mỗi ngày. Và cũng bảo cầu nguyện trước tượng Thánh Giá.
Cầu nguyện là hơi thở của đời sống thiêng liêng, là sự giao tiếp thân mật với Thiên Chúa. Cho nên Đức Mẹ nhấn mạnh: cầu nguyện với cả con tim, với tất cả tấm lòng, mới có giá trị, chứ không phải là đọc những kinh thuộc lòng như cái máy. Cầu nguyện bằng trái tim là tập trung tâm trí vào lời cầu nguyện, như thể mình nói với Thiên Chúa từng lời ấy. Con tim là biểu tượng tình yêu, vậy thì cầu nguyện bằng trái tim là đem hết lòng yêu mến mà cầu nguyện, y như thể khi mình gặp người yêu mình đem hết tấm lòng yêu đương tha thiết, mà trò truyện.
Mẹ còn mong ước: “Chớ gì các con hãy làm cho sự cầu nguyện ngự trị trên toàn thế giới” (25-8-97). “Vì nhờ cầu nguyện các con có thể hoàn toàn tước khí giới của Satan để bảo đảm hạnh phúc của các con” (24-1-85). “Nếu các con cầu nguyện, Satan không thể làm hại các con, dù chỉ một tơ tóc, vì các con là con Thiên Chúa và Người đang trông nom các con.” (25-2-88.
2. Khí giới thứ hai: Ăn chay
Ăn chay! Nghe lời ấy, ta phát sợ, nhưng đừng quên đây cũng là tin vui. Tại sao? Vì ăn nhiều quá, bao tử và gan làm việc quá tải, bị mệt, sẽ phát bệnh. Biết bao lần, sau những ngày lễ tết, suốt ngày ăn uống lu bù đủ thứ, ta cảm thấy mệt mỏi, có người lâm bệnh phải uống thuốc. Nhiều người còn nói: “Khốn khổ cho cái bao tử của tôi!”. Vì thế, ăn chay là một tin vui. Nó là điều tốt cho sức khoẻ: nó loại trừ ra ngoài cơ thể những chất độc, nó tiêu thụ những chất dư ứ đọng trong cơ thể làm ta nặng nề, nhức đầu, đau khớp, phong thấp đủ thứ… Những ai ăn chay đều đặn cũng thường nhận thấy nó làm ích cho thân thể và cả tinh thần nữa. Nó có thể kéo dài tuổi thọ.
Nhưng trong việc cứu vớt bản thân chúng ta và thế giới tại sao Đức Mẹ lại bảo phải ăn chay? Ăn chay có liên hệ gì với việc thiêng liêng đó?
Ngay lần hiện ra thứ ba (26-6-81) Mẹ Maria đã bảo phải ăn chay. Trong Cựu Ước và Tân Ước, ta đã chứng kiến việc ăn chay, nhất là ta không quên việc Chúa Giêsu ăn chay 40 ngày trước khi bắt tay vào công việc cứu thế! Trong bất cứ tôn giáo nào cũng có việc chay tịnh.
Vì ăn chay không phải là một thứ “khoái làm khổ thể xác”. Chức năng thiết yếu của ăn chay là đây : Hãm bớt sự lệ thuộc vào vật chất, hãm bớt thói mê ăn uống, bớt những dục vọng, ví dụ một người say mê chè chén, ngày nào không nhậu nhẹt không thể chịu được, đó chẳng phải là một ách nô lệ sao? Khi người ta giảm bớt sự lệ thuộc vào vật chất, và vật chất không còn là một nhu cầu thúc bách, thì tâm hồn mới được thảnh thơi để cảm nghiệm được tình yêu siêu nhiên của Chúa và Đức Mẹ. Bởi thế, khi dạ dầy trống rỗng, con người sẽ dễ mở đón Thiên Chúa, sẽ thấy thoải mái, dễ dàng cầu nguyện hơn. Đói phần xác có thể đánh thức cái đói của tâm hồn.
Ăn chay có thể bị coi là khổ chế khó chấp nhận hay bất đắc dĩ phải chấp nhận cho ai chưa ý thức được sự cần thiết và ích lợi cả thân xác lẫn tinh thần của nó. Nó là bệ phóng tốt cho việc cầu nguyện và bình an, cho hòa bình và hòa giải, vì nếu hiểu cho đến cùng, ăn chay chiếu tỏa bình an. Chẳng phải mỗi người chúng ta cũng như toàn thế giới này lâm vào bao tranh dành, tranh chấp và chiến tranh cũng chỉ vì miếng ăn đó sao?
Ăn chay giúp ta chế ngự được ma quỉ. Chính Chúa Giêsu đã dạy: “Có loại quỉ chỉ khử trừ được nhờ ăn chay và cầu nguyện” (Mc 9.29). Và ngày 16-11-87, Đức Mẹ quả quyết: “Ma quỉ ra sức chiến thắng các con. Đừng cho phép chúng. Hãy giữ vững đức tin, ăn chay và cầu nguyện.”
Ông Đỗ Sinh Tứ có viết: “Bởi vậy, trong việc chữa trị cho thế giới hỗn loạn thời nay – một thời buổi tôn thờ xác thịt – để họ được sống cảnh an bình, thư thái, Đức Mẹ không những khuyên dạy mọi người thành tâm cần phải có đức tin mạnh, mà còn đặt nặng vấn đề ăn chay, cầu nguyện. Thường tình ở đời, không người mẹ nào muốn cho con mình phải nhịn ăn, nhịn uống, nhưng khi bệnh tình của đứa con cần phải kiêng cữ, thì người mẹ càng thương con, càng muốn cứu sống con, sẽ càng canh chừng (và khuyên nhủ con), không để cho con ăn uống trái với lệnh thày thuốc”.
Ăn chay có sức chữa lành bệnh tật. Đức Mẹ có dạy: “Để chữa lành cho bệnh nhân, cần dọc những kinh sau đây: Kinh Tin Kính, và 7 lần Kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh, và ăn chay bánh mì với nước lã”.
Mẹ còn nhắn nhủ: Ăn chay là một hi sinh tế lễ, vì thế chay tịnh không chỉ là kiêng ăn mà còn là dâng tiến Chúa điều gì mình ưa thích nhất. Ví dụ: Ai thích hút thuốc hay uống rượu, hãy hi sinh nhịn hút, nhịn uống hôm đó. Ai mê xem truyền hình, cũng vậy, không xem truyền hình. Mẹ than phiền rằng: Các con mất quá nhièu thì giờ cho truyền hình. Nó đã trở thành “bà chủ” điều khiển nhiều người trong các con, và họ đã là những kẻ nô lệ của nó!
Vì tất cả những ích lợi đó, nên Mẹ Maria kêu gọi ta ăn chay mỗi tuần 2 lần: “Hãy ăn chay nghiêm túc vào các ngày thứ tư và thứ sáu.” (14.8-84). “Ăn chay tốt nhất là ăn bánh bì với nước lã.. Nhờ ăn chay và cầu nguyện người ta có thể chận đứng chiến tranh và làm ngưng được những định luật của thiên nhiên. Làm việc bác ái không thay thế cho việc ăn chay. … Hết mọi người phải ăn chay, trừ người bệnh” (21-7-82).
Và Mẹ đòi hỏi chúng ta chấp nhận điều này với một ý chí kiên vững và bền bỉ.
Ngày 6-11-82, Mẹ Maria vui mừng loan báo: Nhờ co nhiều người nghe lời Mẹ ăn chay và cầu nguyện mà hình phạt (được báo trong bí mật) thứ 7 dành cho thế giới đã được giảm nhẹ.
3. Khí giới thứ ba: Đọc Kinh Thánh mỗi ngày
Bình thường Mẹ Maria hiện đến với các thị nhân trong niềm vui tươi, hạnh phúc. Nhưng cũng có những trường hợp Mẹ buồn sầu, thỉnh thoảng Mẹ khóc. Cha Jozo làm chứng: Mẹ đã hiện ra với tôi và khóc khi nói: “Các con đã bỏ quên Kinh Thánh!” Và cha còn nói rằng: là một linh mục, cha từng chứng kiến các bà mẹ thương khóc con mình tại nghĩa trang, nhưng cha chưa thấy bà mẹ nào sầu não như Mẹ Maria, khi đề cập đến việc người ta bỏ quên Kinh Thánh.
Kinh Thánh là một cuốn sách khác hẳn với những cuốn sách khác trên cõi đời này. Nó được viết ra dưới ơn linh hứng của Chúa Thánh Thần và chính Thiên Chúa là tác giả. Không có quyển sách nào có thể so sánh với cuốn sách này. Vì thế cha Jozo thuật lại lời Mẹ Maria khuyến cáo: “Hãy tách biệt sách Kinh Thánh ra khỏi các sách khác trên kệ sách, và đặt vào chỗ danh dự và dễ thấy trong nhà… Các con không đọc Kinh Thánh với tình yêu như đó là Lời của một vị Thiên Chúa đang sống động… Chỉ cần hôn kính sách Thánh, người ta cũng lãnh được nhiều ơn rối”.
Ngày 18-10-84, Mẹ nói: “Các con yêu dấu! Bữa nay Mẹ yêu cầu các con hãy đọc Kinh Thánh trong gia đình mỗi ngày, và nên để nó chỗ nào có thể thấy được để nó nhắc nhở các con đọc và cầu nguyện”. “Mọi gia đình phải cầu nguyện chung với nhau và đọc Lời Chúa” (14-2-85).
Hiếm khi nào, chúng ta thấy Đức Mẹ nói câu “Phải” mạnh mẽ, cương quyết như vậy. Điều này làm ngạc nhiên. Đó là chỉ vì chúng ta thường coi lời của Chúa và Mẹ như lời khuyên sơ qua, làm hay không làm cũng có sao. Chính vì để cho ta thấy tầm quan trọng của việc đọc Kinh Thánh và cầu nguyện chung trong gia đình mà lần này Mẹ Maria nói mạnh như thế.
Chúng ta yếu hèn, không biết cầu nguyện sao cho phải – theo lời Thánh Phaolô – thần khí đến trợ giúp chúng ta, chuyển cầu cho ta bằng những lời nỉ non khôn tả (x. Rm 8.26). Kinh Thánh chính là lời Chúa Thánh Thần viết ra, mớm cho ta có những lời cầu nguyện đúng với ý Thiên Chúa, đẹp lòng Thiên Chúa, và tất nhiên là sẽ được Thiên Chúa nhậm lời.
Chúng ta đang sống trong sự tối tăm mù mịt của thế gian, nhất là thời nay, lan tràn biết bao nhiêu tà thuyết lầm lạc, Kinh Thánh sẽ là kim chỉ nam soi đường dẫn lối. Chúa Giêsu đã phán: “Ta là ánh sáng thế gian, ai theo Ta sẽ không đi trong tối tăm nhưng tìm được ánh sáng đem đến sự sống” (Ga 8.12).
Chính trong bản thân chúng ta cũng đầy những tối tăm lầm lạc, chưa kể chúng ta đưa ra biết bao nhiêu lý do này nọ để tự lừa mình, dối mình, cho phép mình phạm tội, hoặc bào chữa những sự sai trái mình làm v.v… Lời Chúa sẽ đến phân tách tất cả những mớ bòng bong ấy, vì thư Do Thái viết: “Lời Thiên Chúa thì sống động và linh hoạt, sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi, và xuyên thấu giới tuyến giữa tâm hồn và thần khí, gân cốt và tủy não, biện phân tâm tư và ý tưởng của lòng dạ con người… ” (4.12-13).
4. Khí giới thứ tư: Hòa giải bởi việc xưng tội
Trước bao căng thẳng, chiến tranh, bạo lực, hận thù của thế giới…, ngay ngày 26-6, tức là ngày thứ ba của cuộc Hiện Ra, Đức Mẹ đã gióng tiếng: “Hòa bình! Hòa bình! Hòa bình! Hãy hòa giải với Thiên Chúa, với nhau!”, và ngay sau đó, Đức Mẹ đã đề cập đến viêc xưng tội: “… Vì thế, cần phải tin, cầu nguyện, ăn chay và đi xưng tội”.
Mẹ Maria có đưa ra một lời xác nhận rất đánh động: “Bất cứ ai, dù đã làm nhiều điều ác xấu xa khi sống, vẫn có thể lên thẳng thiên đàng, nếu họ xưng tội, ăn năn hối hận về những điều đã làm, và rước lễ lúc cuối đời” (24-7-82).
Hòa giải với Thiên Chúa liên kết với hòa giải với anh chị em mình. Gốc rễ của mọi chia rẽ là bởi người ta đã cắt đứt liên hệ với Thiên Chúa. Tội là chia rẽ trong chính bản thân ta, chia rẽ với người khác. Trở về cùng Thiên Chúa là Cha chung, tức khắc, ta sẽ yêu thương mọi người là con cùng một Cha. Thư 1 Gioan dạy: “Nếu Thiên Chúa đã yêu mến ta như thế, thì ta cũng phải yêu mến nhau” (4.11); và: “Phàm ai yêu mến Thiên Chúa, Đấng Sinh Thành, tất yêu mến kẻ bởi Người sinh ra” (5.1).
Loài người thường cưu mang hận thù dai dẳng. Hãy cầu xin Thiên Chúa chữa lành “cái trí nhớ” bệnh hoạn ấy. Lúc đó, ta sẽ thực sự được giải thoát và thư thái, vì có lần Đức Mẹ bảo: “Kẻ cưu mang hận thù, không tha thứ, chính họ làm hại cho mình trước tiên”, vì hận thù là một chất độc, nó đầu độc chính trái tim ta trước. Được giải thoát khỏi hận thù, ta sẽ có thể cầu nguyện cho kẻ làm khốn ta, yêu thương kẻ thù và làm ơn cho họ, như Tin Mừng dạy.
Đấy là kinh nghiệm mà hàng triệu triệu con người đã được nếm trải tại Mễ Du, thánh địa của bình an, tình thương và hạnh phúc. Những khách hành hương đến Mễ Du thường rất cảm động trước số lượng khổng lồ các hối nhau xếp hàng chờ lãnh nhận bí tích hòa giải. Có những đại lễ, giáo xứ Mễ Du đã phải mời 150 chục linh mục đến thay phiên ngồi tòa, ngay cả ngoài trời, để giải tội suốt ngày đêm…
Mễ Du được gọi là tòa giải tội của cả thế giới.
Dân chúng từ khắp bốn phương đến Mễ Du để xưng tội và trở về với Thiên Chúa.
Nhưng xưng tội không phải như một thói quen. Đức Mẹ đã cắt nghĩa cho cô Jelena, một thụ khải của Mẹ: “Các con đừng đi xưng tội theo thói quen, rồi sau đó vẫn sống như cũ. Điều đó không tốt. Bí tích hòa giải phải mang lại một xung lực cho đức tin của các con, phải khuyến khích và đem các con lại gần Chúa Giêsu hơn. Nếu việc xưng tội chẳng có ý nghĩa gì đối với các con, thì thật tình, các con sẽ khó mà hối cải” (7-11-83).
Thị nhân Vicka nói với khách hành hương: Việc xưng tội phải làm cho hối nhân trở thành con người mới, vì vào tòa hòa giải, người ta không chỉ gặp một con người mà gặp chính Chúa Giêsu. Đức Mẹ không muốn chúng ta nghĩ rằng: Tòa cáo giải là nơi chúng ta đến trút gánh nặng tội lỗi và sau đó trở về nhà chúng ta lại sống tiếp tục con đường cũ.
5. Khí giới thứ năm: Thánh Lễ và bí tích Thánh Thể
Mẹ Maria nói Thánh lễ phải là trung tâm đời sống, đến nỗi có lần Người nói với các thị nhân ở Mễ Du: “Nếu phải chọn giữa việc đi dự lễ và dự cuộc hiện ra của Mẹ, Mẹ bảo hãy chọn Thánh Lễ.”
Vì thế Đức Mẹ đã khóc khi đề cập đến Thánh Thể và Thánh Lễ, chỉ vì con cái Mẹ coi thường bí tích ấy, thiếu sự tôn kính. Hãy xem Đức Mẹ đánh giá cao bí tích cao trọng này chừng nào khi năm 1985, Mẹ nói: “Các con đừng dâng Thánh Lễ như các con vẫn làm. Nếu các con hiểu được các con đón nhận được những ơn phúc và quà tặng nào khi dâng lễ thì các con sẽ dành ít ra là một giờ trong ngày để chuẩn bị cho việc trọng đại này.”
Cũng vì muốn tỏ cho thấy điều ấy mà Mẹ Maria yêu cầu chúng ta cầu khẩn với Chúa Thánh Thần trước mỗi Thánh Lễ. Hãy đặt Chúa Giêsu làm trung tâm đời sống.Hãy đặt Thánh Lễ vào vị trí ưu tiên của cuộc đời, và dâng Thánh Lễ phải là giờ phút linh thiêng nhất, siêu thánh nhất hơn mọi giờ khác trong ngày. Và chúng ta chuẩn bị để đón rước Chúa Giêsu với lòng kính trọng và yêu mến vô biên. Với tâm trạng như thế, Đức Mẹ hy vọng chúng ta mới cảm nghiệm được Thiên Chúa, Mẹ nói: “Mẹ kêu gọi các con năng động hơn trong việc cầu nguyện và tham dự Thánh Lễ. Mẹ hi vọng các con cảm nghiệm được Thiên Chúa trong nội tâm các con khi dự Thánh Lễ.” (16-5-85).
Lúc khác, Mẹ Maria gợi đến lòng hiếu thảo của chúng ta đối với Mẹ, cũng giống như bà mẹ thế gian hỏi đứa con nhỏ: Con có thương mẹ không? – Có! – Thế thì con làm việc này việc nọ đi cho mẹ xem. Đức Mẹ cư xử với chúng ta như người mẹ thật, Người cũng hỏi xem ta có mến thương Mẹ không, nếu có thì hãy làm việc này: Dự Thánh Lễ! Mẹ nói: “Dù thời tiết xấu, có nhiều người vẫn tới dự Thánh Lễ vì yêu Mẹ, và ước ao tỏ bày tình yêu của họ với Mẹ. Mẹ mong mỏi các con chứng tỏ lòng gắn bó của các con với Mẹ bằng cách tới dự Thánh Lễ, rồi Chúa sẽ ban muôn phần thưởng cho các con” (21-11-85). Người mẹ thế gian xin con làm việc này việc nọ là để phục vụ cho bà, còn Đức Mẹ xin ta dự Thánh Lễ là để: “… rồi Chúa sẽ ban muôn phần thưởng cho các con”.
Quả thế, biết bao năng lực giúp chống lại chước cám dỗ của ác thần, của xác thịt và những quyến rũ tội lỗi của thế gian hiểm ác, biết bao nhiêu ơn sủng, biết bao hoa trái tốt lành, đạo đức chỉ đến từ Chúa Giêsu trong Thánh Thể. Từ Thánh Lễ, chúng ta nhận được sức sống của Chúa và trong Ngài, ta nhận được toàn thể mầu nhiệm cứu độ, đúng như Thông điệp “Giáo Hội sống nhờ Thánh Thể” (của Đ.G.Trưởng Gioan Phaolô II, 17-4-2003, số 11) đã viết: “Bí tích Thánh Thể không chỉ là việc khơi gợi lại biến cố đó (Tử Nạn) nhưng còn làm tái hiện dưới hình bí tích của biến cố ấy. Đó là hy tế thập giá được tiếp tục trong thời gian… Khi Giáo Hội cử hành bí tích Thánh Thể… biến cố trung tâm này của ơn cứu độ thực sự trở nên hiện tại và như vậy “công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện”… Vì thế mọi tín hữu đều có thể tham dự vào và nếm được những hoa quả của sự hy tế ấy một cách vô tận… như thể chúng ta đã có mặt lúc bấy giờ (trên Núi Sọ)”.
Bí tích Thánh Thể giúp ta trở nên con người mới, thông phần cách sung mãn vào sự sống, sự thánh thiện của Thiên Chúa: “ Như Ta sống nhờ Chúa Cha thể nào, thì kẻ ăn Ta cũng nhờ Ta mà được sống như vậy” (Ga 6.57).
Tự sức mình, ta chỉ làm luống công. Hãy nghe lời thú nhận của các Tông đồ: “Chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì!” (Lc 5.5), vì chính Chúa Giêsu đã phán: “Ngoài Thầy, anh em chẳng làm được gì” (Yn 15.5).
Hãy tôn sùng Chúa Thánh Thần
Tại Mễ Du Đức Mẹ đã nhiều lần nói về Chúa Thánh Thần, và thúc đẩy chúng ta cầu xin Ngài. Quả thật phải đau buồn mà thú nhận rằng: đa số tín hữu Công giáo không hề biết đến Chúa Thánh Thần, không bao giờ cầu xin với Ngài. Đúng như có người nhận định: “Chúa Thánh Thần là một Thiên Chúa bị bỏ quên!”!” Mà chính đó là điều khốn đốn cho chúng ta. Vì Ngài là sự sống và quyền năng Thiên Chúa, không có Ngài làm sao chúng ta có thể sống và thắng các thế lực tăm tối và các chướng ngại vật trên con đường đến Thiên Chúa?
Vì Kinh Thánh đã dạy: “Nếu đã được thần khí ban cho sự sống, thì ta cũng hãy hướng theo thần khí mà tiến bước!” (Gl 5.25) – Bởi vậy, Đức Mẹ nhắn nhủ: “Điều quan trọng là phải cầu xin Chúa Thánh Thần để Ngài đến. Khi có Chúa Thánh Thần thì người ta sẽ có tất cả” (20-10-83)… “thì mọi sự chung quanh các con sẽ thay đổi hết”. Chẳng phải Hội Thánh vẫn cầu khẩn Ngài như là “Đấng đến canh tân mặt địa cầu” sao
Ngày 4-7-83, Mẹ Maria nói: “Các con hãy để Chúa Thánh Thần dẫn dắt các con một cách sâu xa”. Thật ra Mẹ chỉ nhắc lại cho ta lời Kinh Thánh: “Phàm ai được thần khí Thiên Chúa dẫn đưa, thì họ là con cái Thiên Chúa” (Rm 8.14); “Khi nào Ngài đến, vì là thần khí sự thật, Ngài sẽ dẫn đưa anh em vào tất cả sự thật” (Ga 6.12-13) … “Ngài sẽ dạy anh em mọi sự, và sẽ nhắc cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14.26).
“Mẹ sẽ cầu xin Chúa Thánh Thần và cả các con nữa, cũng hãy cầu xin Ngài” (2-8-83)
Vào dịp lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm 1985, trong lần hiện ra, Mẹ dặn dò: “Hãy mở tâm hồn các con ra cho Chúa Thánh Thần, đặc biệt trong ngày này Ngài đang hoạt động trong các con. Hãy dâng hiến đời sống các con cho Chúa Giêsu để Ngài tự do hành động nơi con tim mỗi người các con”.
Hãy tôn sùng và tận hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ
Tại Fatima ngày 13-6-1917, Đức Maria đã nói rằng: Chúa Giêsu muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ trên toàn thế giới, thì tại Mễ Du Mẹ lặp lại: “Giờ đây Mẹ kêu gọi tất cả con cái hãy tận hiến cho Mẹ, tất cả các gia đình hãy tận hiến cho Trái Tim Mẹ.”
Ngày 2-8-1983: “Các con hãy tận hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ. Các con hãy phó thác hoàn toàn cho Mẹ, Mẹ sẽ che chở các con”.
Ngày 20-10-1983: “Chớ gì tất cả các gia đình hãy tận hiến cho Trái Tim Mẹ, và hãy làm việc đó mỗi ngày. Mẹ sẽ rất vui mừng nếu các gia đình họp nhau lại để cầu nguyện một nửa giờ mỗi ngày”
“Các con không tiếp đón Mẹ đủ trong nhà các con. Nếu các con tiếp đón Mẹ hơn thì các con sẽ thấy cuộc sống thiêng liêng tăng trưởng mạnh mẽ hơn nhiều. Các con hãy tiếp đón Mẹ nhiều hơn trong nhà các con như lời Con Mẹ thuở xưa trên Thánh Giá đã xin Gioan hãy đón nhận Mẹ như Mẹ của mình”.
KẾT LUẬN
Cơ cấu toàn bộ Sứ điệp của Đức Mẹ nói trên cũng chính là cái mà Đức Mẹ thường bảo là Kế hoạch của Thiên Chúa hay Kế hoạch của Mẹ. Có lúc, Đức Mẹ vui mừng tỏ cho các thị nhân biết kế hoạch bắt đầu được thực hiện (x. Thông điệp 25-8-91), hoặc đã thực hiện một phần rồi… Có lúc, Đức Mẹ buồn rầu chảy nước mắt nói: “Nhiều người không màng chi đến ăn năn hối cải”. Lại có nhiều khi Người cảnh báo: Satan đang ra sức cản trở, phá hoại kế hoạch (chương trình) của Người…, nên Người xin ăn chay, cầu nguyện nghiêm chỉnh hơn… Nếu tất cả chúng ta sẵn sàng vâng nghe lời Mẹ, tận dụng 5 khí giới Mẹ đặt vào trong tay chúng ta, thì con người chúng ta được thanh luyện, được đổi mới và được lớn lên trong tình yêu. Lúc đó hòa bình sẽ đến với mỗi người và từ đó sẽ lan tràn trên thế giới.
Mẹ còn trao trách nhiệm cho các thị nhân, giáo xứ Mễ Du và những ai liên hệ với Mễ Du phải truyền bá các Sứ điệp của Mẹ cho toàn thế giới, cho tất cả những ai họ gặp, họ quen biết. Cũng chính từ lúc đó, các thị nhân và thụ khải đi du hành nhiều nơi trên thế giới để chu toàn sứ mệnh đó. Mẹ luôn kêu gọi người ta cộng tác với Mẹ và Mẹ nói là Mẹ cần sự cộng tác ấy. Dụng cụ đích thực để thực hiện chương trình của Mẹ, Mẹ thường nhắc đến luôn: đó là cầu nguyện, ăn chay, lần hạt Mân Côi. Chính sự hiện ra lâu dài ở Mễ Du của Mẹ cũng là một ơn huệ của Thiên Chúa và là một phần của kế hoạch thần linh ấy, để đưa toàn thể nhân loại đến cuộc sống hạnh phúc, hòa bình ; và sau này, mọi người được về thiên đàng ở với Mẹ
Những dấu thiêng điềm lạ làm chứng sự hiện diện của Mẹ
Hiện đến với loài người, Đức Mẹ không muốn cho loài người phải ngờ vực thắc mắc: “Không biết có thật hay chăng? Lấy gì mà minh chứng?…” Vì thế, Đức Mẹ luôn dùng những dấu thiêng điềm lạ mọi người trông thấy được, và những cuộc chữa bệnh nan trị… để mọi người đều phải tin và nhận Sứ Điệp Mẹ mang đến cho loài người. Trong tập nhỏ này, chúng ta không cần thuật những phép lạ chữa lành phần hồn cũng như phần xác, mà bất cứ nơi nào Đức Mẹ hiện ra đều có thấy xảy ra… Chỉ nêu ra vài hiện tượng khác đặc biệt độc đáo của Mễ Du.
1) Hình dáng của Mẹ Maria
Theo như những trẻ được thấy Đức Mẹ tả lại, thì Đức Trinh Nữ Maria có hình dáng một thiếu nữ mười tám đôi mươi, cao khoảng một mét sáu mươi lăm, tóc đen gợn sóng, mắt xanh, má hồng, tiếng nói vô cùng êm dịu và trìu mến. Các em đều mô tả Đức Mẹ có bộ mặt vui và tươi cười. Không bao giờ Mẹ mất bình tĩnh, hay nóng nảy.
Luôn hiền từ và thương mến, cả những lúc Mẹ sửa lỗi các em. Đến nỗi các em nhận định: “Mẹ toàn là tình thương, thuần túy yêu thương!” Ngày thường Mẹ mặc áo dài màu xám óng ánh, khăn lúp trắng dài. Ngày đại lễ Mẹ bận áo vàng lộng lẫy. Trước khi Đức Mẹ đến thì một đám mây sáng hay những làn chớp sáng xuất hiện, và Đức Mẹ như ở giữa vùng ánh sáng. Khi từ biệt Mẹ biến đi trong làn ánh sáng. Chân Đức Mẹ luôn đứng trên một cụm mây cách mặt đất nửa mét, và đáng lưu ý nhất là có 12 ngôi sao tết thành triều thiên trên đầu, làm ta nhớ lại cảnh sách Khải Huyền 12.1 mô tả: “Một điềm lớn xuất hiện trên trời: Một Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên 12 ngôi sao”. Nay ở Mễ Du Đức Mẹ hiện đến với những nét của Người Phụ nữ thời cánh-chung đó, hẳn là có chủ ý, ai suy nghĩ tất sẽ hiểu: đây là thời cánh-chung, thời cuối cùng, hay đúng hơn, giai đoạn cuối cùng của một thời đại!
2. Những điềm lạ
Tại Mễ-Du đã có những dấu lạ đặc biệt rải rác trong thời gian Đức Mẹ hiện ra.
Tháng 8 năm 1981, người ta đã được chứng kiến sự lạ mặt trời quay tròn, nhảy múa, phát ra các tia sáng đủ màu.
Người ta đã thấy xuất hiện trên trời chữ: MIR bằng ánh sáng giữa một dòng sông lửa rực cháy vắt ngang từ đồi Hiện ra tới Nhà thờ Mễ Du. MIR có nghĩa là Hoà Bình (theo tiếng địa phương).
Cây Thánh Giá trên núi Krizevac được xây dựng bằng xi-măng cốt sắt từ năm 1933, và có thể nhìn thấy từ mấy cây số. Chính tại nơi Thánh giá này cũng đã có nhiều sự lạ: Có ngày cây Thánh Giá như bừng sáng lên soi chiếu cả vùng đồi núi chung quanh, ngày thì quay tròn đổi hướng, có ngày thì biến mất một lúc rồi lại tái xuất hiện v.v… Những việc này được rất nhiều người trông thấy và làm chứng, kể cả những linh mục và tu sĩ.
Hàng ngàn những cỗ tràng hạt của những người hành hương đã tự động đổi màu thành vàng. Những mùi hương thơm ngát tỏa lan mọi người đều ngửi thấy hoặc tại linh địa Mễ Du, hoặc tại nhà, khi người ta đem các ảnh tượng từ Mễ Du về…
Nhất là vô số người đã được thấy hiện tượng mặt trời xoay tròn và nhảy múa, phóng ra những tia hào quang đủ màu sắc, giống như đã xảy ra ở Fatima tháng 10-1917.
3) Được đi tham quan Thiên đàng, luyện ngục và hỏa ngục
Các thị nhân được nhìn thấy Thiên đàng, luyện ngục và hoả ngục. Khi cho thấy các người phúc lộc trên Thiên đàng, Đức Mẹ bảo: “Hãy xem họ hạnh phúc biết chừng nào.” Khi cho xem thấy luyện ngục, chúng được nghe Mẹ nói: “Những linh hồn này đang chờ đợi nhiều ở lời cầu nguyện và hy sinh của các con”. Khi được xem thấy hỏa ngục chúng được nghe Mẹ nói: “Đó là hình phạt đối với những người không yêu mến Thiên Chúa. Nhiều người rơi vào đó”… “Thiên Chúa cho phép xảy ra việc một số con cái Người sa hỏa ngục, bởi vì họ đã phạm những tội nặng nề, không thể tha thứ được”.
Có một hôm, Mẹ nhận định: “Ngày nay rất nhiều người sa hỏa ngục, đại đa số xuống luyện ngục, và chỉ một số ít lên thẳng Thiên đàng”.
Về Thiên đàng tất cả 6 thị nhân đều được thấy, nhưng có hai em Vicka và Jakov còn được thấy một cách đặc biệt, nghĩa là được Đức Mẹ cầm tay dẫn đi tham quan Thiên đàng, tức là với cả thân xác hai em. Một hôm, Đức Mẹ nói là Người đưa hai em đi một thời gian. Tức thì Jakov và Vicka được Đức Mẹ cầm tay biến đi. Bà mẹ của Jakov đang sửa soạn bữa ăn cho hai đứa vừa kêu đói, bỗng thấy chúng biến mắt, bà đi tìm trong nhà, ngoài ngõ, quanh hàng xóm làng giềng vẫn không thấy, bà tưởng chúng bị lính bắt. Bất thình lình 20 phút sau, bà lại nghe tiếng nói của chúng trong nhà mới biết là chúng đã trở lại, và thuật cho bà biết sự việc đã xảy ra làm sao. Chính bà đã có mặt và làm chứng về sự kiện lạ lùng này
Sau khi cho các thị nhân xem thấy các nơi ấy, Đức Mẹ dặn rằng Người cho họ thấy những nơi đó để họ trở về làm chứng cho người trần gian biết là những nơi đó có thật, đời sau có thật, và đời sống trần gian tuy đẹp đẽ như bông hoa, song chóng tàn, so với đời sống vĩnh viện vô tận đời sau. Vì thế, cuộc đời trần gian chỉ là thời gian chuẩn bị để về Thiên đàng sống với Chúa và Mẹ mãi mãi: “Các con đã được dựng nên cho Thiên đàng, chứ không phải cho trái đất”.
4. Dấu chỉ lớn thường xuyên nhìn thấy được
Như chúng ta đã được biết ở trên, Mẹ Maria sẽ còn tiếp tục hiện ra với các em cho đến ngày thực hiện một Dấu Chỉ Lớn.
Ngay từ tháng 8-1981, khi luồng ánh sáng nối liền Nhà thờ Mễ-Du với cây Thánh Giá trên núi Krizevac, Đức Mẹ đã báo trước: “Tất cả những dấu lạ đó đều có mục đích củng cố đức tin của chúng con cho đến ngày Mẹ sẽ gửi đến một dấu chỉ thường xuyên nhìn thấy được”.
“Sau điềm báo thứ nhất, hai điềm báo khác sẽ đến sau một thời gian ngắn ngủi, để mọi người kịp thời ăn năn trở lại, do lòng thương cứu độ của Thiên Chúa.
“Hết ba điềm báo, dấu chỉ lớn nhìn thấy được sẽ đến. Thật là khủng khiếp!… Ai còn sống sót thì họ chỉ còn thời gian rất ngắn nữa thôi để ăn năn trở lại. Nên Mẹ van nài, năn nỉ hãy gấp rút ăn năn trở lại vì sợ không kịp…”
Mẹ cho biết rằng: dấu chỉ đó nhằm hoán cải những người không tin.
Để được hiểu rõ hơn về Dấu Chỉ Lớn có tầm mức quan trọng đặc biệt này, chúng ta không có tài liệu nào khác hơn là bức thư của cha Tomislav Vlasic (Chánh xứ Mễ Du) gửi lên Đức G.Chủ Gioan Phaolô II, đề ngày 2-12-83, do chính thị nhân Maria Pavlovic đề nghị sau lần Đức Mẹ hiện ra ngày 30-11-1983.
Sau đây là đoạn trích bức thư (1) về Dấu Chỉ Lớn đó:
“Trước khi được thấy Dấu Lạ dành cho nhân loại, sẽ có ba dấu cảnh báo xảy ra cho thế giới.
Những dấu cảnh báo này sẽ là những biến cố trên mặt đất… Ba ngày trước khi xảy ra mỗi cảnh báo, em Mirjana sẽ báo trước cho một linh mục em tự do lựa chọn.(2) Mirjana sẽ là người làm chứng. Việc làm chứng của Mirjana sẽ là sự xác nhận về tính xác thật những lần Hiện Ra của Đức Mẹ, và là một thúc giục thế giới ăn năn trở lại. Sau những lần cảnh báo trên, sẽ xảy ra một dấu lạ hữu hình ngay tại nơi Hiện Ra ở Mễ Du, dấu lạ dành cho tất cả nhân loại được thấy. Dấu này sẽ làm chứng cho những lần Hiện Ra là thật và coi như là lời kêu gọi trở về đức tin.
Lm Petar Ljubicic, được thị nhân Mirjana chọn để loan báo tuần tự cho thế giới 10 Bí mật Đức Mẹ đã trao cho cô
Quãng giữa ấy là thời gian của ân sủng và của việc trở lại. Sau khi xảy ra dấu lạ được nom thấy, những ai còn sống sẽ có ít thời giờ để trở lại. Bởi vậy, Đức Trinh Nữ khuyên giục phải mau trở lại và làm hòa.
Theo Mirjana, chúng ta đang ở gần những biến cố Đức Trinh Nữ đã tiên báo.
Nhân danh những cảm nghiệm mà em đã trải qua, Mirjana nói với nhân loại: “Xin hãy ăn năn trở lại càng sớm càng tốt. Xin hãy mở rộng trái tim cho Thiên Chúa”.
5) Canh tân thiêng liêng
Chúng ta có thể quả quyết rằng: Cuộc canh tân thiêng liêng đang được thực hiện tại Mễ-Du và bởi Mễ-Du, là một dấu chỉ chắc chắn về tính cách siêu nhiên của sự lạ đang xẩy ra tại đây. Mẹ Thiên Chúa và cũng là Mẹ nhân loại đã đến đây để đem loài người trở về với Thiên Chúa..
Sáu thiếu niên nam nữ đã được thấy Đức Mẹ cũng đã được biến đổi về đàng thiêng liêng: Các em cầu nguyện nhiều, hi sinh, hãm mình, ăn chay những ngày Mẹ xin.
Theo chứng tá của linh mục René Laurentin, những em được thấy Đức Mẹ, đã sống, hành động và nói năng rất chân thành, khiêm tốn và nhã nhặn, làm cho ngài không thể hồ nghi về những gì các em làm chứng liên hệ đến sự kiện đang xẩy ra. Có nhiều lần được yêu cầu cho chụp ảnh, các em đã tỏ ra rất đỗi ngạc nhiên và nói: “Nhưng chúng tôi có là gì đâu, chúng tôi chỉ là những người đã thấy và làm chứng mà thôi”. Khi các em đã được chính Mẹ dạy dỗ thì làm sao các em không tiến mạnh trên đường nhân đức.
Nhiều Nhóm Cầu Nguyện đã được thành hình và sống tinh thần cầu nguyện, ăn chay và huynh đệ. Ngày lễ Tôn Kính Thánh Giá năm 1983, một vạn người, đa số là thanh niên đã đi chân không đến Mễ-Du để hành hương. Nhìn thấy các bạn trẻ sống theo lời Mẹ Maria dạy, nhiều người lớn tuổi đã phải nói: “Các người trẻ đã cầu nguyện và ăn chay sốt sắng hơn chúng tôi nhiều”. Những bạn trẻ này trước kia không hề biết đến chuỗi Mân Côi, thì nay đeo chuỗi ở cổ, lần chuỗi chung với nhau ở nhà thờ, lúc về nhà lại khuyến khích mọi người lần chung trong gia đình.
Giáo xứ Mễ-Du đã thay đổi hẳn bộ mặt: lâu nay hàng ngày họ ở lại Nhà thờ ba bốn tiếng đồng hồ, cầu nguyện, lần hạt Mân Côi chung dự Thánh Lễ, mà không biết chán
Giáo dân đã nhất tề sống tinh thần Phúc âm, không còn tranh giành cãi cọ, xích mích lời qua tiếng lại. Người ta dễ dàng tha thứ và làm hòa với nhau, xoá bỏ mọi tỵ hiềm. Dân giáo xứ hăng hái tiếp đón và giúp đỡ những người hành hương, những người qua đường lỡ bước nghèo khổ, người ta rất mực săn sóc đến kẻ bệnh tật và già yếu…
Lòng sốt sắng, sự thánh thiện ấy đã khởi sự từ khi Đức Maria đặt chân đến mảnh đất này, đến ngày nay, sau 23 năm trường, vẫn không suy giảm! Ở trần gian này, mà cái gì cũng mau tàn như câu nói dân gian: “Mây tán, tuyết tan, hoa tàn, nguyệt khuyết”, thì Mễ Du là một luật trừ, vì họ đã được Đức Mẹ Chúa Trời bảo vệ săn sóc cách đặc biệt, như chính Người đã hứa trong nhiều Thông điệp.
Mễ-Du đã trở thành nơi thánh, nơi hành hương, ở đó người ta được ơn lạ, được trở về với Chúa, được tiếp xúc với Trời. Nhiều linh mục đến đó đã không khỏi bị cảm kích khi nhìn thấy đông đảo người tuôn đến 12 toà giải tội, đặt trong và quanh nhà thờ nhỏ bé của họ đạo xa xôi và hẻo lánh này
Từ Mễ-Du, cuộc canh tân thiêng liêng sẽ lan tràn khắp Giáo Hội, khắp thế giới và những hồng ân bởi trời sẽ đến với loài người, qua và nhờ Mẹ Maria Mẹ Thiên Chúa, Mẹ loài người, Mẹ Giáo Hội, Nữ Vương Hoà Bình.
THAY LỜI KẾT
Tóm tắt sứ điệp và sự kiện Mễ-Du – cuộc viếng thăm tràn đầy yêu thương của Mẹ Maria với con cái loài người – trong một ít trang vắn vỏi, không thể gọi được là tạm đủ. Những gì ít ỏi được giới thiệu với các độc giả ở trong tập sách nhỏ này chỉ coi như là gợi lên một cách khô khan đôi nét căn bản cuộc hiện ra và sứ điệp của Đức Mẹ tại Mễ-Du.
Thật đáng tiếc, không thể làm thế nào hơn trong khuôn khổ một tập sách giới thiệu nhỏ này. Vô cùng thiết tha mong ước các độc giả tìm đọc thêm ở những sách sau đây, ít nhất là quyển MẸ ĐẾN LẦN CUỐI để thấy tất cả tấm lòng Người Mẹ đã vì yêu thương con cái vô bờ bến, và vì đã bồi hồi xót xa khi thấy các con cái mình lao vào vực thẳm, nên đã không quản ngại thân hành từ trời đến nhắc nhở, chỉ bảo, khuyên giục v.v… ngần ấy năm trời không biết mỏi mệt, chán nản, ngã lòng.
Nếu bạn là người con thảo thật lòng yêu mến Mẹ Maria, xin bạn đừng nghĩ ngợi gì hết, đừng để những thiên kiến, thành kiến hay những lập luận nào ngăn cản làm bạn ngần ngại. Bạn hãy chỉ nhìn vào tình thương ấy của Mẹ mà thôi và ra sức đáp trả.
—————————–
(1) Từ sách Mẹ đến lần cuối, số 817
(2) Và cô Mirjana đã chọn và trình lên Đức Mẹ linh mục PETAR Ljubicic, Dòng Phan sinh. Trước khi loan báo các bí mật đó, linh mục sẽ cùng Mirjana ăn chay và cầu nguyện 10 ngày, ba ngày cuối cùng, linh mục sẽ dùng các phương tiện thông tin đại chúng để loan báo cho toàn thể thế giới cái gì sẽ xảy ra và xảy ra ở đâu.
Muốn biết thêm về Mễ Du mời bạn đọc những sách sau đây:
1. Bà là Ai? (Chứng từ trung thực và đầy xúc động của một Ký giả Tin Lành, ô. Wayne Weible, về Đức Mẹ)
2. Mẹ đến lần cuối (quyển căn bản)
3. Các chứng từ về Mẹ (sưu tập các chứng từ và sự lạ của Mễ Du)
4. Tôi đã thấy Đức Trinh Nữ (Lm Yanko Bubalo ofm Phỏng vấn thị nhân Vicka)
5. Sống Sứ điệp của Mẹ (3 tập) (Sưu tập sứ điệp của Đức Mẹ những năm đầu, có kèm Suy Niệm)
6. Suy niệm và sống sứ điệp – trọn bộ các Thông Điệp và Suy niệm: Năm 2001 / 02 / 03 / 04 / 05….
7. Đâu là sự thật việc Đức Mẹ hiện ra tại Mễ Du (R. Laurentin) (Khảo sát mặt khoa học)
Sách của nhà xuất bản Giờ của Mẹ, USA (www.memaria.org):
1. Đức Mẹ hiện ra tại Medjugorje, Nam Tư
2. Ơn lành Đức Mẹ tại Medjugorje, Nam Tư
3. Phép lạ tại Medjugorj